Có nên nghỉ làm để mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini không?

Có rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi có nên nghỉ làm để mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini kinh doanh hay không? Liệu có đáng để đánh đổi không?

Chắc chắn khi còn đặt nghi vấn, còn phải lăn tăn trong đầu là có nên hoặc không nên nghỉ việc làm thuê để mở cửa hàng kinh doanh mô hình tạp hóa, hay siêu thị mini chứng tỏ độ quyết tâm của bạn chưa đủ lớn, và phần nào nó sẽ chi phối tới những quyết định sau này khi bạn đã mở cửa hàng kinh doanh bởi kinh doanh gì thì kinh doanh, người có giỏi đến mấy cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn xuyên suốt quá trình kinh doanh buôn bán của mình.

Hãy tham khảo những kinh nghiệm, kiến thức sau đây bạn sẽ phần nào giải tỏa được thắc mắc của mình.

1. Quyết tâm có đủ lớn

Việc nghỉ làm thuê để ra làm riêng, khởi nghiệp luôn là quyết định đầy khó khăn cho mỗi người, bởi không dễ gì để có công việc, có sự ổn định trong cuộc sống, mà vốn dĩ kinh doanh làm riêng luôn đầy rẫy khó khăn, trắc trở, thậm trí mất tiền. 

Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, bạn muốn làm chủ, muốn chủ động trong những quyết định của mình thì cần phải có độ quyết tâm đủ lớn, và quyết tâm đó được trả giá bằng chính đồng tiền, thời gian và công sức của mình.

Mọi quyết định đều luôn khó khăn, và sức ảnh hưởng càng lớn thì càng cần phải đặt lên bàn cân suy nghĩ một cách thận trọng, nhất là quyết định nghỉ việc để mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini kinh doanh riêng. 

Vấn đề tiếp theo đó chính là sự ngăn cản từ gia đình, người thân, mình thấy rất ít hộ gia đình ủng hộ con cái khởi nghiệp, tâm lý các cụ thường luôn muốn con cái có cuộc sống an nhàn, ít rủi ro, ổn định, nhưng vẫn muốn con cái thành đạt, dư giả tiền bạc mà không muốn khởi nghiệp. Các cụ là thế đó, phụ huynh nào cũng vậy. 

Bên cạnh đó cũng cần phải tính tới trường hợp rủi ro trong kinh doanh, khi thất bại thì sao? bạn có dám và chủ động đối mặt với nó hay không?

Nên việc ra quyết định có khởi nghiệp kinh doanh bán lẻ mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini hay không bạn cần phải vượt qua rất nhiều rào cản, khó khăn:
  • Rủi ro trong kinh doanh phải đối mặt
  • Đầu từ khoản vốn phù hợp với quy mô
  • Rào cản từ người thân
  • Xáo trộn sinh hoạt trong gia đình
  • Đối mặt với thất bại một cách thẳng thắn

Không ai có thể trả lời thay bạn có nên nghỉ việc làm thuê để mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini hay không, mà điều đó phụ thuộc vào nguồn lực của bạn đang có để có thể đủ tồn tại và phát triển đối với mô hình kinh doanh bán lẻ này hay không mà thôi.
Có nên nghỉ làm để mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini

2. Sự chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini của mình

Tiếp theo là vấn đề sự chuẩn bị của bạn có đủ tốt để khởi nghiệp kinh doanh nói chung và kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini nói riêng? Ngày nay không có chuyện tay không bắt giặc, nếu bạn khởi nghiệp với sự chuẩn bị quá ít ỏi thì chắc chắn tỷ lệ thất bại là vô cùng cao.

Sự chuẩn bị đó bao gồm các yếu tố, bạn xem mình có những yếu tố nào rồi và note lại xem mình có khả năng để kinh doanh hay không? tất nhiên chả ai có thể đợi đến khi mình có đầy đủ những yếu tố đó rồi mới bước ra kinh doanh riêng cả. Nên bạn cũng không cần phải quá cẩn trọng, việc của chúng ta là có sự chuẩn bị đủ tốt và trau dồi thêm trong quá trình kinh doanh.

2.1 Tài chính
Kinh doanh gì cũng phải cần có vốn, việc vốn bạn có có đủ để mở kinh doanh hay không? Có hai trường hợp phổ biến:

* Vốn tự có đủ để mở cửa hàng: Nhóm đối tượng này sẽ ít rủi ro hơn, vì dù sao trong trường hợp có rủi ro trong kinh doanh thì cũng không đến lỗi mang gánh nặng về tài chính nợ nần. 

* Vốn tự có một phần và đi vay: Nhóm này thì cần lưu ý hơn trước khi quyết định khởi nghiệp kinh doanh bán lẻ, nhưng bạn yên tâm hầu hết ai kinh doanh cũng phải đi vay mượn bổ sung tài chính, nhưng số lượng vay đừng vượt quá 50% vốn cửa hàng, bạn cần phải có lượng vốn tối thiểu 50%, yếu tố này mang lại góc nhìn khả năng kiếm tiền của bạn cũng như khả năng quản lý tài chính cá nhân tốt, đó là một ưu điểm cho người kinh doanh.

2.2 Kiến thức kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini

Đương nhiên không mấy người có kiến thức kinh doanh liên quan đến tạp hóa, siêu thị trước khi khởi nghiệp tách ra làm chủ, nhưng kiến thức kinh doanh nói chung cũng rất cần đối với người chủ cửa hàng. 

Người chủ mà không có kiến thức kinh doanh thì chắc chắn thất bại 100%, để tồn tại và phát triển thì không dành cho người không có kiến thức. 

Người làm kinh doanh cần phải trang bị cho mình một lượng kiến thức đủ lớn, thậm trí càng nhiều càng tốt, vì xuyên suốt quá trình kinh doanh sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn và cần phải đưa ra những quyết định kịp thời, việc thiếu kiến thức kinh doanh sẽ khiến cho người chủ phân vân, không dám đưa ra quyết định tốt và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

2.3 Kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini

Kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini là yếu tố cực kỳ quan trọng, tất nhiên đối với người mới thì không mấy ai có kinh nghiệm cả, nhưng trí ít bạn có là người đã va trạm với nghề này thì đó là một lợi thế rất lớn đối với người kinh doanh.

Kinh nghiệm kinh doanh cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini có thể đến từ rất nhiều góc độ:

- Bạn có thể là người đã từng làm nhân viên, quản lý của cửa hàng tạp hóa hay siêu thị.

- Bạn có thể là bên cung cấp hàng cho các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini.

- Bạn có thể làm cho công ty kinh doanh thương mại: Tất nhiên công ty này có thể không liên quan đến tạp hóa, siêu thị nhưng ít nhất góc nhìn của bạn về kinh doanh cũng mở hơn rất nhiều.

- Bạn có thể đã từng làm quản lý: Việc đã từng làm quản lý chắc chắn ít nhiều cũng giúp bạn có những kỹ năng về tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo và trách nhiệm với công việc cũng như việc gia quyết định tốt hơn người chưa có kinh nghiệm.

- Tham gia các khóa học về kinh doanh: Có thể kinh doanh nói chung hoặc khóa học kinh doanh tạp hóa, siêu thị là tốt nhất, bạn đừng tiếc học phí đi học, việc đầu tư cho tri thức luôn là điều cần thiết, nhất là đúng mô hình mình kinh doanh.

- Học hỏi từ người đã từng kinh doanh: Việc tiếp cận và được học hỏi từ những người đã từng kinh doanh chắc chắn mang lại kinh nghiệm cho bạn một cách thực tế.


2.4 Lợi thế về kinh doanh

Lợi thế kinh doanh này chính là key chính mà bạn cần phải để tâm nhiều hơn, bởi việc có lợi thế kinh doanh chính là yếu tố giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh, cũng như khởi nghiệp của bạn. 

- Tài chính: Nếu bạn có tiềm lực tài chính tốt thì đó cũng là một lợi thế khá lớn để bạn khởi nghiệp kinh doanh, nó giúp cho bạn tự tin hơn trong quyết định khởi nghiệp cũng như khả năng kiếm tiền của bạn đang có.

- Hậu thuẫn từ gia đình người thân: Hậu thuẫn tốt không có thể bao gồm tài chính, mối quan hệ, sự ủng hộ. Gia đình người thân chính là hậu phương cho bạn, việc bạn có hậu phương tốt sẽ giúp bạn ra trận một cách tự tin hơn rất nhiều.

- Mặt bằng: Việc thuê mặt bằng kinh doanh khá rủi ro, nếu bạn có mặt bằng sẵn có để kinh doanh thì có thể giúp bạn giảm tới 6,70% khả năng thất bại rồi. 

- Kiến thức, kinh nghiệm: Yếu tố này giúp bạn có thể tồn tại và phát triển tốt với nghề, với nghiệp. Như đã nói ở trên, không có chuyện tay không bắt giặc, bạn không có kiến thức, kinh nghiệm thì đừng mong có thể sống với nghề được. 

- Biết kinh doanh online: Xu hướng kinh doanh bán lẻ cần phải kết hợp giữa online và offline, người biết kinh doanh online chắc chắn sẽ có lợi thế tốt hơn rất nhiều so với chỉ kinh doanh cửa hàng truyền thống. 


3. Tổng kết có nên nghỉ làm để mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini

Để khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công cần phải dựa vào rất nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn người thành công cần phải có hành động, chỉ khi có hành động mới có được kết quả, bất kể kết quả đó như thế nào?

Tôi không dám khuyên bạn có nên nghỉ làm để mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini hay không? vì có rất nhiều người thành công với mô hình bán lẻ này, nhưng cũng rất nhiều người mở ra được vài tháng rồi thanh lý hậu quả thiệt hại tài chính cũng rất nặng nề. 

Để tôi làm một phép thử nho nhỏ để bạn có cái nhìn rõ hơn nếu trong trường hợp thất bại. Ví dụ đối với một cửa hàng đầu tư vốn 800 triệu kinh doanh, thuê mặt bằng 15 triệu, và chi phí nhân sự 18 triệu/ tháng. Và họ phải thanh lý cửa hàng, thì thiệt hại là bao nhiêu, hay nói cách khác sẽ thu lại được bao nhiêu tiền về.

Thời gian đầu kinh doanh chắc chắn doanh số thấp, cửa hàng nào cũng phải chịu lỗ liên tục 6 tháng, tất nhiên có quầy chỉ 3 tháng, và có những quầy lỗ vượt qua cả 6 tháng và chắc chắn thanh lý cửa hàng.

Giai đoạn đầu doanh số thấp, gần như chỉ đủ chi phí mặt bằng, tất nhiên là các khoản lỗ trong 6 tháng kia bao gồm: Nhân sự, khấu hao tài sản, lãi ngân hàng, điện nước mạng, thuế.

Một cửa hàng như trên thì ngoài chi phí mặt bằng ra ít nhất cũng bị lỗ 25 triệu/ tháng. Thì việc 6 tháng lỗ liên tục như vậy là mất 150 triệu rồi :) 

Tiếp theo là liên quan đến hàng hóa thu lại: Nếu vốn đầu tư 800 triệu thì tiền hàng chỉ có được 550 triệu, vì 250 triệu kia cho chi phí mặt bằng và đầu tư cơ sở vật chất. 

Cứ cho vấn còn 550 triệu tiền hàng, nhưng thường đối với các cửa hàng phải thanh lý thì sau thời gian kinh doanh thường sẽ giảm đi đáng kể. Và khi thanh lý cửa hàng thì bạn chỉ thu lại được 70% vốn tiền hàng hiện có tức là chỉ thu lại được: 385 triệu. 

Còn lại là tiền liên quan đến cơ sở vật chất: Với quy mô như vậy khi thanh lý thì chỉ còn có thể bán lại được giá kệ, camera, bàn thu ngân... thanh lý cũng chỉ thu lại được 70% ví dụ đầu tư 100 triệu cho cơ sở vật chất thì mất 30 triệu rồi, chỉ thu lại được 70 triệu mà thôi.

Còn lại các khoản đầu tư liên quan đến đèn điện, sơn sửa mặt bằng, biển bảng... bạn gần như mất trắng vì các khoản đó không bán được dù giá thanh lý.

Tính sơ bộ với một cửa hàng đầu tư 800 triệu nếu hoạt động 6 tháng mà thanh lý thì chỉ thu lại được số tiền: 385 triệu + 70 triệu = 455 triệu. Tức là gần như mất trắng 350 triệu. 

Chắc chắn bạn giật mình phải không? Nhưng thực tế nhiều người còn mất nhiều hơn thế cơ. Tôi đã chứng kiến một chuỗi siêu thị đầu tư 12 tỷ mở 4 siêu thị sau đóng 1 còn 3 (từ 200-500m2) sau 8 tháng kinh doanh 3 con siêu thị còn lại cộng vào chỉ còn 4 tỷ (chưa tính theo tình trạng thanh lý).

Nên giai đoạn đầu luôn là khó khăn, khi bạn dừng bước thì thiệt hại vô cùng khủng khiếp, nhưng nếu có đủ lực và quyết tâm, kiên trì vượt qua giai đoạn đầu khó khăn này thì có thể sẽ vượt qua, và những khoản thiệt hại do phải thanh lý cửa hàng kia sẽ bị triệt tiêu. 

Nên quyết định khởi nghiệp kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini luôn không hề đơn giản, và người muốn bước ra khởi nghiệp mở cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini cần phải có độ quyết tâm cao, nguồn lực tốt, và kiên trì.