CÓ NÊN khởi nghiệp kinh doanh siêu thị mini | Cửa hàng tạp hóa

Có nên khởi nghiệp kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa là suy nghĩ của nhiều người trong quá trình chuẩn bị kế hoạch mở cửa hàng bán lẻ của mình. 

1. Tại sao lại hỏi có nên khởi nghiệp kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa?

Chắc chắn một điều rằng bạn là người mới, chưa có kinh nghiệm, và cũng chưa thực sự tự tin để khởi nghiệp kinh doanh với mô hình cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini. Nhưng điều đó hoàn toàn dễ hiểu bởi ai mới bắt đầu cũng đều vậy, ngay cả tôi lúc bắt đầu kế hoạch kinh doanh mô hình siêu thị mini của mình cũng phân vân câu hỏi đó mặc dù có cả gần chục năm đã gắn bó với nghề bán lẻ thị trường trước đó rồi. 

Vấn đề của chúng ta ở đây chính là việc đi giải đáp cho câu hỏi có nên khởi nghiệp kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa hay không? Việc tìm những yếu tố để chúng ta có thể dễ dàng hơn trong việc nhìn lại mình để biết mình là ai, có cái gì và chưa có cái gì so với thị trường cạnh tranh, cũng như xu hướng mô hình kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa trong tương lai.

2. Nên hay không nên khởi nghiệp kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa khi nào là vừa?

Bản chất chả có ai có thể hội tụ đủ tất cả các yếu tố của người thành công mới khởi nghiệp, ngay cả những tỷ phú đô la của thế giới, hay Việt Nam họ cũng không thể tưởng tượng được sau này họ thành công và có số tiền khổng lồ lớn như vậy, và chúng ta cũng vậy, ở tầm tư duy nhỏ, nguồn lực còn hạn chế thì cũng chẳng việc gì phải tự ti là chúng ta không thành công cả. Tất nhiên để thành công với mô hình kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa cần rất nhiều yếu tố, và mức độ thành công đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và chúng ta có được bao nhiêu cơ hội thành công ở trong cuộc chiến về bán lẻ này. 

Những yếu tố cần thiết trước khi khởi nghiệp kinh daonh siêu thị đã được nói rất nhiều ở các bài trước, người đọc hoàn toàn có thể tham khảo ở đó để biết những yếu tố nào dẫn đến thành công cũng như thất bại của mô hình kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa. 

Có rất nhiều người nhanh chóng có kết quả tốt khi triển khai mô hình kinh doanh này, nhưng cũng có rất nhiều người phải nhanh chóng dừng lại cuộc chơi với kết quả là thanh lý cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini một cách đau đớn, thiệt hại về cả vật chất, tiền bạc và thời gian. 

Việc nên hay không nên khởi nghiệp với mô hình siêu thị mini | cửa hàng tạp hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng những vấn đề sau đây là những key then chốt để chúng ta có thể chủ động trong việc khởi nghiệp kinh doanh nói chung và khởi nghiệp kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa nói riêng.

Khởi nghiệp kinh doanh siêu thị mini


3. Cuộc chiến để sinh tồn mô hình kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa người kinh doanh cần phải biết.

3.1 Tài chính
Các cụ có câu buôn tài không bằng dài vốn đến giờ vẫn còn nguyên giá trị, việc xây dựng cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini mà trong tay có tiềm lực tài chính hạn hẹp, đặc biệt đối với người phải thuê mặt bằng kinh doanh quả thực là điều vô cùng khó khắn.

Chỉ một cơn gió nhẹ khó khăn ghé thăm là rất dễ dàng chúng ta gục ngã ngay lập tức, những người mới kinh doanh siêu thị, tạp hóa thì có thể chưa trải nghiệm thực tế, nhưng những người đã kinh doanh thì thừa hiểu cảm giác củ khoai, củ chuối liên quan đến vấn đề tài chính giai đoạn đầu kinh doanh như nào? Ôi dồi ôi, doanh số thấp, chi phí tăng, có bao nhiêu tiền bạc đầu tư sạch vào cửa hàng, chưa nói có thể trước đó đã phải vay mượn hết công suất, hết mối quan hệ mới đủ vốn để mở cửa hàng rồi. 

Và đến khi cần phải bổ sung tiền hàng, phải đóng tiền nhà tiếp theo, rồi các khoản chi phí nhỏ khác như tiền điện, nước, mạng, thuế, quản lý thị trường... nó dồn nén và đổ hết lên đầu người chủ kinh doanh, không dễ dàng gì chúng ta có thể vượt qua được giai đoạn đó. 

Nên việc khỏe về tài chính có thể không phải là lợi thế lớn, nhưng ít nhất chúng ta có thể tránh được thất bại, tránh được việc phải thanh lý cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini ở giai đoạn đầu. 

Vậy đối với tài chính như thế nào thì đủ để khởi nghiệp kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa được? 

Nó không quá khó để chúng ta có thể dự đoán được số tiền mình cần phải có để có thể khởi nghiệp mô hình này một cách hạn chế rủi ro nhất. Bạn cần lưu ý các yếu tố cơ bản sau:
  • Tuyệt đối không rút tiền hàng ra cho việc tiêu dùng cá nhân, gia đình tối thiểu trong giai đoạn 6 tháng đầu.
  • Chủ động được phương án tài chính đủ đóng tiền nhà lần tiếp theo (đối với người phải thuê mặt bằng).
  • Chủ động tài chính để có thể bù đắp cho khoản lỗ cho 6 tháng đầu kinh doanh (thường tương đương 10 % vốn đầu tư).
  • Chủ động tâm lý các yếu tố trên liên quan đến tiền bạc :)

3.2 Kiên trì

Tiếp theo của phần đầu, yếu tố tiếp theo cực kỳ quan trọng, đó chính là người kinh doanh phải kiên trì, khi chúng ta có sự chuẩn bị tốt rồi thì mới có thể kiên trì theo đuổi được mục đích kinh doanh của mình được.

Đối với người thiếu kiên trì, lững lự chỉ một khó khăn nhỏ là trong đầu luôn nghĩ tới việc có nên thanh lý siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa để tìm mô hình kinh doanh khác không? Nói thật, chả có mô hình kinh doanh nào hiệu quả mà không cần tới tính kiên trì. Nên đừng bỏ cuộc quá sớm, ít nhất là trước khi tới mức không còn gì để mất. Hãy có cảm giác bắt buộc sinh tồn bằng mọi giá, khi mà chúng ta phải bị dồn vào chân tường thì mới thực sự có cảm giác khởi nghiệp kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa :) .

3.3 Chủ động tình huống xấu nhất là thanh lý cửa hàng :)

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta có suy nghĩ tiêu cực trong kinh doanh, nhưng đã gọi là khởi nghiệp đúng nghĩa thì luôn phải nghĩ về tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Khi chúng ta đã có suy nghĩ tới tình huống đó rồi thì ắt chúng ta có những suy nghĩ về cách giải quyết nó khi nó thành hiện thực, thì xuyên suốt quá trình kinh doanh gặp khó khăn chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua hơn rất nhiều. 

Tâm lý chung người mới kinh doanh, đặc biệt càng thiếu kinh nghiệm thì lại càng có tính ảo tưởng về sức mạnh, càng nghĩ cuộc sống, quá trình kinh doanh trải đầy hoa hồng. Nhưng thực tế nó không hề đơn giản như vậy, nếu ngon và dễ ăn như vậy thì ai cũng mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini chả mấy mà giàu. 

"Thất bại trong công việc chuẩn bị đồng nghĩa với việc chuẩn bị trong công việc thất bại" nên khi chúng ta có sự chuẩn bị càng tốt đến đâu đồng nghĩa với việc giảm thiểu việc rủi ro trong kinh doanh xuống thấp bấy nhiêu.