Kinh nghiệm kinh doanh quà tết - phần 2

Giai đoạn tết là thời điểm các chủ Cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini tập trung để khai thác triệt để doanh thu cũng như lợi nhuận, đối với những người có thâm niên kinh doanh mô hình này vài năm sẽ có nhiều kinh nghiệm, nhưng đối với những người mới chắc chắn khó tránh khỏi những rủi ro không đáng có như nhập giá cao do chọn thời điểm chưa phù hợp, nhập dòng sản phẩm kinh doanh không hiệu quả dẫn tới tồn đọng sau tết. … Những kinh nghiệm kinh doanh dịp tết sau đây phần nào có thể giúp cho những người mới khắc phục, tránh được những rủi ro không đáng có.

Kinh nghiệm kinh doanh quà tết: ÔM HÀNG HAY KHÔNG?

Việc có nên ôm hàng tết hay không phụ thuộc vào lượng khách hàng có sẵn của cửa hàng những tháng trước đó, bởi đó chính là lực lượng tiêu thụ hàng tết tiềm năng của cửa hàng, bên cạnh đó chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa hay Minimart cần lưu ý tới hai yếu tố chính đó là:

+ Chi phí cơ hội

+ Tài chính

Đương nhiên là hai yêu tố này có mối liên hệ mật thiết với nhau, khi chủ cửa hàng có ý định ôm hàng tết cần phải xem xét tiềm lực tài chính của mình, có lượng tiền nhàn dỗi hay không? tránh trong quá trình đầu tư vốn ôm hàng tết mà ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của cửa hàng mình nói chung và các sản phẩm tập trung nói riêng.

Trong trường hợp tài chính, kho bãi có thì nên ôm hàng để tăng lợi nhuận bán ra của sản phẩm, tức là giảm giá thành đầu vào so với thời điểm hết chương trình, thông thường từ 5-10% đối với mặt hàng phổ thông, còn 10-15% đối với những sản phảm đặc thù.

Tâm lý của những chủ cửa hàng mới kinh doanh tạp hóa, hay minimart thường phát hoảng khi thấy những quầy hàng cũ, quy mô lớn họ ôm 500-1000 thùng bia, thùng nước ngọt, rồi sợ họ sau này bán giá rẻ, nhưng bạn hãy yên tâm điều đó, họ ôm hàng để chờ thời điểm bán ra với giá thành cao, chứ họ không bán với giá thành thấp hay rẻ để cạnh tranh với các quầy nhỏ, hay mới đâu, nên các quầy nhỏ không có điều kiện ôm hàng hoàn toàn có thể kinh doanh như ngày thường theo phương châm: “nhập rẻ bán rẻ, nhập cao bán cao” bởi thời điểm tết tâm lý người tiêu dùng khá thoáng, và không quá căn ke so kè giá như ngày thường.

Bên cạnh đó, các quầy nhỏ hoặc mới mở cần chú ý để có thể tự tin kinh doanh dịp tết, lợi thế của việc ôm hàng của các quầy lớn chỉ là hơn đoạn % của chương trình và chủ động hàng. Ví dụ: Thùng bia Hà Nội lúc ôm hàng nhập 200k, sau này tăng giá lên 2010k thì những quầy ôm hàng chỉ được phần chênh so với bạn 10k/ thùng, một quầy họ ôm 500 thùng bia thì so với bạn họ đang có lợi thế 5 triệu đồng, nhưng họ phải bỏ vốn đầu tư 100 triệu đồng và kho bãi để chứa số hàng đó. Nên nhiều quầy lớn họ thường đàm phán gửi hàng tại kho của NCC để giảm thiểu gánh nặng kho bãi. Nên nếu bạn không thực sự khỏe vốn thì lấy lượng hàng vừa đủ để có thể chủ động bán trong dịp tết, các quầy lớn, trường vốn họ mới tập trung ôm hàng để hưởng phần chênh.

Kinh nghiệm kinh doanh quà tết: THỜI ĐIỂM ÔM HOẶC NHẬP HÀNG 

# Đối với dòng sản phẩm tết phổ thông: Tức là những sản phẩm mà trong năm vẫn kinh doanh bình thường thì nên chủ động nhập trước tháng 12 âm lịch, thường bắt đầu triển khai từ 15/11 âm lịch, bên cạnh đó cần dựa vào thời gian chạy chương trình của các công ty phân phối hay NCC, giai đoạn này các công ty vẫn chưa bị cháy hàng, nên thời điểm đẹp nhất để nhập hàng chính là khi gần hết các chương trình. Ví dụ công ty A chạy chương trình từ ngày 10/10 âm lịch đến 30/11 âm lịch, thì có thể từ ngày 20-25/11 nên nhập hàng.

# Đối với những sản phẩm tết đặc thù: 
Tức là nhóm sản phẩm chỉ kinh doanh dịp tết như hàng dinh dưỡng, bánh kẹo cao cấp, bia ngoại, rượu ngoại… kinh doanh nhóm sản phẩm này lợi nhuận cao kèm theo rủi ro cũng cao. Đa phần các dòng sản phẩm này không có hệ thông phân phối, mà tập trung kênh buôn lớn nên giá thành dịp tết phụ thuộc vào lượng hàng tồn của các đơn vị đó, khi cháy hàng thì giá có thể đẩy lên cao, nhưng nếu lượng hàng tồn lớn thì họ phải đạp giá xuống để thoát hàng. Kinh nghiệm kinh doanh dịp tết là cần phải chủ động được đầu ra mới nên ôm nhóm sản phẩm này.

Kinh nghiệm kinh doanh quà tết: ÔM HOẶC NHẬP HÀNG HÓA NÀO?

Hàng hóa tết là mô hình kinh doanh khá đặc thù, hàng hóa kinh doanh hoặc số lượng có thể không hẳn theo chuẩn quy mô, hoặc lượng vốn đầu tư ra. Nhưng về cơ bản thì vẫn phụ thuộc vào hoạt động hiện tại của cửa hàng đó.

Hàng hóa bán tốt nhất vào dịp tết cho Cửa hàng tạp hóa chính là các nhóm: Bia, đồ uống, rượu, bánh kẹo. Nhưng vẫn được chia ra hai dạng phổ thông, và tết đặc thù.

# Bia phổ thông: Đa phần như ở miền Bắc thì các dòng bia như: Hà Nội, 333, Sàn Gòn & Heniken vẫn chiếm sản lượng lớn trong nhóm đồ uống bởi kết hợp của hai nhu cầu: Dùng và biếu tặng, nên chủ động nhập nhóm này khá ít rủi ro, bởi dù có tồn đọng thì cửa hàng hoàn toàn có thể ra tết vẫn kinh doanh bình thường, hoặc xử lý rủi ro cũng không quá khó.

# Bia nhập khẩu: Như bia Đức, Nga, Tiệp… chỉ tập trung vào bán dịp tết và nguyên thùng, giá thành khá cao, thông thường trên 800k/thùng, và chỉ dành cho nhóm đối tượng đi biếu, tặng và cao cấp, kinh doanh nhóm này lợi nhuận cao nhưng khá rủi ro, bởi sau tết nếu còn số lượng nào đó thì gần như là khó thoát, bởi nhóm bia này ra tết khó bán lẻ cho người tiêu dùng. Nhưng ưu điểm của nhóm bia này hiện nay là có nhiều đơn vị phân phối cho hỗ trợ công nợ để giảm thiểu rủi ro cho cửa hàng, do đó, các chủ cửa hàng minimart nên tận dụng khai thác dòng sản phẩm này. Ví dụ bán một thùng này, hoàn toàn mang lại lợi nhuận 200-250k/thung, tương đương bán 20-30 thùng bia phổ thông kia. Nếu bạn khai thác tốt được 10 thùng, thì hoàn toàn có thể thoải mái khi nhìn quầy bên cạnh họ khuân vác, ship hàng 200 thùng bia cho khách. Đây là một kênh khai thác hiệu quả, chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa, siêu thị minimart cần khai thác triệt để.

# Bánh kẹo phổ thông: Đây là nhóm sản phẩm bán chạy, nhưng đa phần các chủ cửa hàng lại không quá tập trung so với kênh đồ uống, đó chính là điểm yếu của các chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa, siêu thị mini khi tập trung nguồn lực từ tài chính, sức lực, kho bãi vào các loại đồ uống như bia, nước ngọt mà không biết rằng bánh kẹo phổ thông này mới chính là thứ mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho quầy hàng. Tại sao lại như vậy? Chỉ đơn giản, 1 gói kẹo “tết” hay một hộp bánh phổ thông khi nhập có chương trình, lợi nhuận cũng xấp xỉ 1 thùng bía, nhưng người tiêu dùng cá nhân có thể lấy đơn hàng 30 gói kẹo + 05 hộp bánh, nhưng không bao giờ lấy đơn hàng 30 thùng bia.

Lưu ý kinh doanh bánh kẹo phổ thông này, kẹo là dòng sản phẩm quay vòng chậm, ra tết tốc độ bán sẽ rất chậm, nên trong quá trình kinh doanh dịp tết, các cửa hàng tập trung đa dạng các loại kẹo thay vì lấy số lượng nhiều mà ít chủng loại, tâm lý tiêu dùng tết rất thoáng, khách hàng thích đĩa kẹo có nhiều loại.

# Bánh kẹo mùa vụ tết: Đương nhiên là các loại sản phẩm này chỉ kinh doanh vào dịp tết do đó nếu tồn đọng qua tết thì độ rủi ro là rất cao, người chủ kinh doanh cần nghiên cứu tới % rủi ro này như thế nào, bởi chỉ đơn giản, nếu qua tết tồn đọng hàng khoảng 5tr thì đồng nghĩa với việc doanh thu 30trieu bán trước tết là công không (vid dụ lợi nhuận 17%). Chính vì vậy nhóm sản phẩm đặc thù này, các chủ cửa hàng tạp hóa, siêu thị minimart nhập đa dạng, số lượng vừa đủ, an toàn, và nên khai thác các đơn vị hỗ trợ công nợ, hay ký gửi để giảm thiểu độ rủi ro.

# Rượu: Rượu vang (nhập) và rượu mạnh
Rượu vang: nên tập trung vào dòng sản phẩm rượu vang nhập khẩu như của Pháp, ChiLe, bởi đây là nhóm siêu lợi nhuận, tập trung hơn vào các sản phẩm vùng giá bán ra dưới 200k, nhóm sản phẩm này lợi nhuận dịch chuyển từ 15-30%.

Rượu mạnh: nhóm sản phẩm này có nhược điểm kén khách cao cấp, vồn nhiều và tỷ lệ % lợi nhuận không cao, bên cạnh đó nhóm đối tượng dòng sản phẩm này hay lựa chọn các đơn vị chuyên cung cấp, kinh doanh rượu mạnh, hoặc ở trong các siêu thị, trung tâm thương mại, do đó, với đối tượng các quầy hàng kinh doanh phổ thông như cửa hàng tạp hóa, hay siêu thị mini thì nên cân nhắc khi kinh doanh nhóm sản phẩm này.

Kinh nghiệm kinh doanh quà tết: SỐ LƯỢNG NHẬP
Số lượng nhập phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và điển hình như: Quy mô, khách hàng tập trung, tiềm lực tài chính, số lượng khách hàng có trong tay… Do đó, chủ quầy hàng tự dựa trên nguồn lực sẵn có của mình để đưa ra số lượng nhập hàng cho phù hợp với mãi lực của quầy hàng mình. Nhưng thông thường để an toàn thì số lượng nhập có thể gấp 5-10 lần số lượng bán ra của các tháng thường.

Kinh nghiệm kinh doanh quà tết: GIỎ QUÀ TẾT

Giỏ quà tết là một sản phẩm đóng gói kinh doanh đặc thù trong dịp tết Nguyên Đán, mang lại lợi nhuận cao cho quầy hàng, và có thể giúp cho quầy hàng có thể hỗ trợ phần nào những sản phẩm mà tốc độ bán chậm ở cửa hàng. Nhưng nên nhớ, chỉ nên đưa các sản phẩm có tốc độ bán chậm, tuyệt đối không đẩy các sản phẩm cận date, hoặc kém chất lượng vào trong quầy hàng nhằm giải quyết hàng ế ẩm, hoặc để sinh lời cao. Bởi những người sử dụng giỏ quà tết này gần như 100% họ có nhu cầu sử dụng làm quà tặng, biếu và mong muốn nhu cầu gia tăng mối quan hệ với người nhận món quà đó. Do đó, sản phẩm bạn bán ra nó được mang trọng trách không hề nhỏ đối với người tiêu dùng.

Kinh nghiệm kinh doanh quà tết: HỘP QUÀ TẾT

Xu hướng tiêu dùng hiện nay đang dịch chuyển sang hộp quà tết, có thể chưa đến giai đoạn bùng phát, nhưng những lợi thế mà hộp quà tết có được thì đó chính là những bất lợi của giỏ quà tết. Người tiêu dùng có thể mua cùng lúc 5 hộp quà tết để mang đi tặng, còn giỏ quà tết thì không, vì nó quá cồng kềnh, khó khăn trong khâu vận chuyển, và những sản phẩm ở trong giỏ quà tết mà được chuyển sang hộp quà tết chắc chắn sẽ làm cho món quà trở nên sang trong hơn rất nhiều.